“ Cảm động và ám ảnh”, “Nao lòng” và “thấm thía”… đó chính xác là những cung bậc cảm xúc ta sẽ trải qua khi đọc “Hãy chăm sóc mẹ” của tác giả Shin Kyung Sook do nhà xuất bản Hà Nội phối hợp với công ty văn hóa truyền thông Nhã Nam phát hành năm 2011 với 323 trang.
Viết về tình cảm gia đình đã có vô vàn cuốn sách. Nhưng “Hãy chăm sóc mẹ” lại khai thác đề tài này theo cách rất riêng, rất đời thường và chân thực như chính các sự việc thường xảy ra ở mỗi gia đình. Bởi vậy, ai hầu như cũng thấy có chút bóng dáng của mình, câu chuyện nhà mình trong mỗi trang sách.
Câu chuyện kể về hành trình đi tìm người mẹ bị đi lạc của những thành viên trong gia đình mang theo những dòng hồi ức đầy suy tư, day dứt, ân hận về người mẹ, người vợ của mình trải dài theo 5 chương của cuốn sách. Trong quá trình tìm kiếm Mẹ, những kỉ niệm xưa cũ được dịp ùa về: những lần gặp Mẹ, nói chuyện với Mẹ, những lúc các con vô tâm trong cách đối xử với Mẹ, hoặc thậm chí là cả sự vô tâm của người chồng dành cho bà nữa.
Chương 1: Không ai biết
Một khung cảnh hỗn loạn mở ra đầu truyện khi người mẹ đã đi lạc ở ga tàu Seoul trong lúc cùng chồng lên thành phố thăm các con. Khi chuẩn bị lên tàu, bà đã bị bỏ lại giữa dòng người đông đúc ngược xuôi chen lấn vì không theo kịp chồng mình và ông thì đã quá quen với việc luôn mải mốt đi trước, chẳng bao giờ ngoái lại chờ vợ, đến mức dần trở nên vô tâm trước sự tồn tại của vợ.
Chương 2: Xin lỗi con, Hong-chol
Mẹ - người cả đời hi sinh chăm sóc cho gia đình, chăm lo việc học hành của con nhưng lại nhiều lần dằn vặt, áy náy vì nghĩ rằng chính mình đã làm gián đoạn giấc mơ trở thành công tố viên của cậu con trai cả. Mẹ- người ngay cả khi đối mặt với bão táp cuộc đời khi bố có người phụ nữ khác và dọn ra ngoài nhưng khi con đi học về lại vẫn bình tĩnh hỏi “hôm nay đi học con đã học được gì rồi?”. Vậy mà từ khi có gia đình, có con, anh lại không còn dành thời gian cho Mẹ. Hôm Mẹ đi lạc, đúng ra vợ của anh phải đón ông bà ở ga tàu, nhưng vì bận đưa đồ ăn cho con mà vợ anh đã để ông bà tự đón xe về. Chính vì thế mà xảy ra cớ sự này.
Chương 3: Tôi đã về đây!
Tôi đã về đây! – Một trong những câu nói mà người chồng nói với bà nhiều nhất sau hơn 50 năm chung sống khi ông thường xuyên bỏ nhà đi lang bạt khắp nơi, để rồi nhận ra đó lại là câu ông mong ngóng được nghe từ bà nhất lúc bấy giờ. Giá mà trong ga Seoul đông đúc hôm ấy, ông đứng lại đợi bà thì mọi việc đã không đến nước này… Kể từ khi vợ bị lạc, cứ mỗi khi nghĩ đến chuyện mình luôn đi quá nhanh, ngực ông lại như muốn nổ tung…
Chương 4: Và người phụ nữ khác
Chương 4 như muốn thay lời người mẹ, nói lên hết tất cả những tâm sự thầm kín nhất, ẩn khuất nhất trong tâm hồn,về những đau khổ bà đã phải chịu đựng một mình, cả những nỗi băn khoăn, day dứt chưa một lần được thổ lộ thành lời.
Phần kết: Chuỗi tràng hạt hoa hồng
Hình ảnh kết thúc truyện là khi cô con gái thứ 3 sang Roma và tìm mua cho mẹ một chuỗi tràng hạt hoa hồng. Có một điều gì đó mãnh liệt cứ níu giữ chân cô ở bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi, cô nghĩ đến Mẹ, người hi sinh cả đời cho cô và các anh chị em nhưng cô và các anh em trong nhà, chưa ai làm được gì cho mẹ. Mẹ luôn động viên các con hãy cố gắng theo đuổi ước mơ của mình và mẹ làm tất cả để giúp ước mơ của các con thành hiện thực nhưng chưa bao giờ những đứa con ấy hỏi mẹ về ước mơ của mẹ thuở còn trẻ? Chúng cứ mặc định là Mẹ thì phải hi sinh.
Hãy Chăm Sóc Mẹ như một lời thức tỉnh đến bạn đọc về những tình cảm thầm kín bấy lâu bị ngủ quên, làm tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ và hành động của nhiều thế hệ độc giả.
Tôi tin chắc rằng, bạn sẽ thấy mình xuất hiện đâu đó trong từng câu chữ của Hãy Chăm Sóc Mẹ, sẽ nhận ra rằng bản thân ta đã vô tâm đến nhường nào, vô tâm không biết rằng, mẹ đang làm gì, mẹ thích điều gì, cuộc đời mẹ có nguyện ước gì không, hay ta luôn mặc định, mẹ sinh ra đã là mẹ, mẹ có nghĩa vụ phải yêu thương, quan tâm, lo lắng, chăm sóc cho ta vô điều kiện.
Người mẹ trong cuốn sách Hãy Chăm Sóc Mẹ đã có một cuộc đời đầy trắc trở biến cố, song dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bà vẫn luôn cố gắng dành những điều tốt nhất cho các con. Cuộc sống hiện đại quá bận rộn, bận rộn đến mức người ta cứ mải lao đầu vào công việc mà quên mất rằng, ở miền quê xa xôi, người mẹ của chúng ta đã và đang trải qua những ngày tháng vất vả để chúng ta có được ngày hôm nay.
Có thể nói Hãy Chăm Sóc Mẹ như một hồi chuông cảnh tỉnh đến độc giả về tình cảm gia đình: hãy chăm sóc mẹ khi mẹ còn bên cạnh chúng ta, hãy chăm sóc mẹ khi mẹ còn nhớ ta là ai, và hãy chăm sóc mẹ khi còn có thể!
Mời các em đón đọc cuốn sách “Hãy chăm sóc mẹ” tại thư viện nhà trường.