Vậy là một cái tết Trung thu vui vẻ và ý nghĩa nữa lại đến. Không khí trung thu đã tràn ngập hầu khắp các nẻo đường, con phố cùng niềm vui hân hoan của tuổi thơ. Ngày tết đặc biệt này bắt nguồn từ truyền thuyết Hậu Nghệ- Hằng Nga. Trong đêm trung thu không thể thiếu được mâm cỗ trông trăng được xem là mâm lễ phẩm để tỏ lòng đến chú Cuội và chị Hằng đã mang ánh sáng dịu dàng cho trần thế, tôn thêm sắc màu đêm trung thu.
Với mong muốn tạo cho các bé một ngày Tết Trung thu thật sự ý nghĩa, Trường THCS Phúc Lợi tổ chức ngày ” VUI HỘI TRĂNG RẰM”, với mong muốn mang đến cho các học sinh một ngày hội thực sự.
Mở đầu buổi lễ, cô Đặng Thị Tuyết Nhung- Phó hiệu trường nhà trường đã có lời phát biểu khai mạc buổi lễ. Thay mặt nhà trường cô đã gửi lời chúc đến các em học sinh có ngày hội vui vẻ, ý nghĩa.
Sau lời phát biểu của cô Đặng Thị Tuyết Nhung, công đoàn nhà trường và đại hiện hội cha mẹ học sinh đã trao những phần quà nghĩa đến các học sinh nghèo vượt khó. Những phần quà tuy nhỏ nhưng đong đầy tình cảm của các thầy cô, cha mẹ học sinh, mang đến cho con niềm vui ngập tràn.
Phần đón chào Tết Trung thu, được mở đầu bằng tiết mục văn nghệ và múa lân do chính các học sinh thể hiện. Những động tác lắc lư đầu lân, hay cái quạt phe phẩy của hai ông địa theo nhịp trống trông thật ngộ nghĩnh dù động tác của các em chưa chuyên nghiệp như người lớn. Những lời ca tiếng hát vang vọng khắp sân trường như háo hức, vui vẻ hơn. Đặc trưng của Tết Trung thu là những âm thanh nhộn nhịp nhưng rất ấm áp của chiếc trống gỗ da bò vang lên đều đặn từ các ngõ phố “tùng – tùng – tùng – tùng. Cắc – tùng – tùng – tùng – tùng”, như làm cho nhịp sống của người dân thêm hăng hái, phấn khởi.
Hào hứng nhất với các học sinh là phần thi mâm ngũ quả. Các học sinh và phụ huynh đã cùng nhau cắt tỉa thật khéo léo hoa quả thành những con vật sau đó sắp xếp thật đẹp. Mâm cỗ gồm: trái cây ngũ quả, bánh kẹo và không thể thiếu bánh Trung thu có cả mía, tượng trưng cho tình cảm ngọt ngào của con cháu dành cho ông bà và cha mẹ. Những giọt mồ hôi đổ trên đôi má của các em nhưng ánh mắt vô cùng hào hứng, say mê. Đây là nghi thức nhằm giúp các em hiểu được một phong tục hay có giá trị tinh thần cao đẹp của cha ông để lại
Kết thúc thời gian thi, mỗi lớp cử một đại diện lên thuyết trình về mâm ngũ quả mình trang trí xong, đây cũng là dịp để các em thể hiện khả năng đã được học trong chương trình mỹ thuật và cũng là cách rèn trẻ kỹ năng hùng biện theo suy nghĩ & tư duy riêng của mình.
Kết thúc phần thi, ban giám khảo đã chọn ra các lớp tiêu biểu, đoạt giải như sau:
Nhất: 9C, 8A
Nhì: 8B, 8C, 7D, 6A1
Ba: 8D, 6A2, 6A3, 6A4, 9D
Học sinh đang thuyết trình mâm ngũ quả
Cuối cùng là màn phá cỗ trông trăng của các học sinh. Nghi thức phá cỗ rộn ràng vui vẻ sống động để học sinh được sống lại không khí của ngày xa xưa. Đây là cũng là hoạt động để các học sinh, phụ huynh, bạ bè cùng sum vầy, khiến ngày lễ càng thêm ý nghĩa.
Hội Trăng Rằm của Trường THCS Phúc Lợi đã kết thúc trong bầu khí vui tươi, thân mật. Các em ra về cùng những chiếc lồng đèn xinh xắn trên tay, miệng vẫn nhẩm hát:
“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng có đèn trong tay
Em múa ca dưới ánh trăng rằm…”
DƯỚI ĐÂY LÀ MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA BUỔI LỄ: