Chùa chính có kết cấu hình chữ đinh, toà Tiền đường có 5 gian 2 mái, xây theo kiểu tường hồi bít đốc. Phần Thượng điện được đựng theo dạng lầu bát giác, với 2 tầng 8 mái.
Hiện nay chúng ta vẫn chưa rõ chùa Quán Tình được xây dựng từ bao giờ, vì chưa có tư liệu nào nói đến việc khởi dựng. Chùa còn giữ được rất nhiều bia đá cổ, tấm bia hậu có niên đại sớm nhất lập năm Thịnh Đức thứ 3 (1655), trong đó có khắc bài thơ rất hay miêu tả cảnh đẹp của chùa và ghi danh những người công đức tiền, ruộng để tu sửa chùa. Đây là một tấm bia đá rất quý để nghiên cứu sự tồn tại của di tích chùa Quán Tình. Như vậy vào giữa thế kỷ XVII, chùa Quán Tình đã được tu sửa, mở rộng khuôn viên.
Văn bia lập năm Ất Mùi (1775) có ghi: “Nguyên xưa kia có bia chùa Thái Linh, triều trước lập dựng ngay gần sông, do nước xoáy lở mà bị thất lạc, nay cho sửa nền đất mà ghi lại các vật trong Tam bảo”. Như vậy, trong khoảng thời gian từ năm 1655 đến năm 1775, chùa Quán Tình có sự chuyển dịch đến vị trí hiện nay.
Hiện chùa còn lưu giữ một quả chuông đồng có niên đại Cảnh Thịnh thứ 8 (1800). Nội dung Bài minh trên chuông cho thấy toàn xã quan viên lớn nhỏ. cùng góp công của để đúc một quả chuông. Minh chuông còn khắc bài thơ ca ngợi cảnh đẹp của chốn thiền môn..
Ngoài các hiện vật nêu trên, chùa còn lưu giữ được 3 tấm bia hậu, 1 Thạch đài trụ (vẫn quen gọi là Cây hương đá) và hệ thống tượng Phật mang phong cách nghệ thuật Nguyễn (cuối thế kỷ XIX).
Qua hệ thống bia đá hiện còn tại chùa, nguồn tư liệu quý giá phần nào giúp chúng ta tìm hiểu về lịch sử làng xã những biến động không ngừng của dòng chảy Thiên Đức đã tạo cho một Quán Tình những bước thăng trầm. Mặt khác, chùa còn lưu giữ được quả chuông đã góp phần giúp chúng ta tìm hiểu về nghệ thuật tạo hình và đúc đồng dưới thời Tây Sơn, đồng thời cũng góp phần vào việc nghiên cứu mỹ thuật cổ truyền đương thời.
Chùa Quán Tình, ngày nay đã được tu sửa để phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân trong vùng.