Chúng ta có thể thấy hấp dẫn ngay từ hình thức mỗi cuốn truyện. Truyện được thiết kê cách điệu với những dường cong lượn sóng tạo sự mềm mại, bắt mắt. Màu sắc, hình ảnh trang bìa và các trang nội dung được vẽ rất sắc nét, hài hòa. Khổ sách lớn 19x27cm với những hình ảnh và chữ in to phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Các em có biết ngày 23 cháng 12 âm lịch mẹ thường hay mua cá chép về thắp hương để làm gì? À đó là để đưa ông Táo về trời. Chúng ta cũng chỉ được nghe người lớn giải thích nôm na thế thôi đúng không nào? Để hiểu rõ hơn về phong tục này, chúng ta hãy đến với truyện “Sự tích Táo Quân” nhé. Trong sách đã viết rất rõ: Táo Quân là cách gọi chung của 3 vị thần Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ. Thần Thổ Công trông coi việc bếp núc. Thần Thổ Địa trông coi việc nhà cửa. Thần Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. Hằng năm, cứ vào ngày 23 tháng 12 âm lịch, ba Táo cùng cưỡi cá chép về trời, báo cáo cho Ngọc Hoàng mọi việc dưới hạ giới năm ấy. Sau đó, chiều 30 các Táo lại về trần gian lo việc cũ. Cuốn truyện tranh này là câu chuyện tình cảm của ba vị thần trước khi được Ngọc Hoàng phong tước vị Táo Quân. Họ sống có tình có nghĩa như nào mà được giao trọng trách như vậy, để tìm hiểu rõ hơn nữa chúng ta hãy tìm đọc cuốn truyện tranh “Sự tích Táo Quân” hiện đang có tại thư viện nhé.
Cuốn sách thứ 2 cô muốn giới thiệu đến các em là cuốn sách “Sự tích cây Nêu ngày Tết” kể về ngày xưa đất nước bị loài quỷ chiếm đoạt. Con người chỉ được ăn nhờ ở đậu và làm rẽ ruộng đất của quỷ. Con người muốn làm điều gì phải chờ lệnh của quỷ. Có miếng ngon, người phải biếu quỷ trước… Cuối cùng, nhờ có sự mách bảo của Phật, người đã đuổi được lũ quỷ rồi từ đó con người được yên ổn làm ăn. Lũ quỷ van xin, Phật thương tình chấp thuận cho chúng một năm được về thăm viếng phần mộ tổ tiên vào dịp Tết. Để ngăn không cho lũ quỷ bén mảng vào nơi ở, con người đã trồng cây nêu trước nhà vào những ngày này. Câu chuyện là sự tích huyền thoại mang đậm tính nhân văn sâu sắc về cây nêu, một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam không thể thiếu món bánh gì nào? À đúng rồi, đó là bánh chưng, bánh giầy. Thế các em có biết ý nghĩa của món bánh này và ai là người đầu tiên làm ra món bánh đặc biệt ấy không? Chúng ta hãy đến với câu chuyện “Sự tích bánh chưng, bánh giầy” nhé.
Câu truyện đã khẳng định rất rõ rằng: “trong trời đất không có gì quý bằng hạt gạo, bánh chưng vuông tượng trưng cho đất. Đất có cỏ cây, rừng núi nên bánh có màu xanh. Bánh giày tượng trưng cho trời nên có màu trắng, hình tròn và khum khum như vòm trời.
Ngày Tết người dân Việt ta thường dùng bánh chưng, bánh giầy cúng tổ tiên để thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, coi công ơn của tổ tiên lớn như trời đất. Món bánh ấy còn chứa đựng tâm tình ruộng đồng quê hương, nó được làm từ hạt gạo là hạt ngọc quý nhất trong trời đất. Chẳng thế mà hàng năm trong ngày giỗ tổ Hùng Vương người ta đều làm những chiếc bánh chưng, bánh giầy khổng lồ để cúng giỗ các vua Hùng. Để tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc, cách thức làm món bánh này chúng ta hãy cùng đọc câu chuyện “Sự tích bánh chưng, bánh giấy” nhé. Mong rằng bộ truyện: Sự tích Táo Quân, Sự tích ngày Tết và Sự tích bánh chưng bánh giầy sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về các phong tục trong ngày Tết cổ truyền của nước ta nhé.