Lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam đã ghi dấu biết bao tấm gương anh dũng, sẵn sàng hi sinh cho hòa bình, độc lập dân tộc. Trong số đó có rất nhiều tấm gương là nữ giới. Họ vốn là những người mẹ, người vợ, người chị, người em tảo tần, đảm đang, chịu thương, chịu khó. Thế nhưng khi giặc ngoại xâm kéo đến, khi bom đạn chiến tranh phá vỡ cuộc sống gia đình êm ấm, những con người nhỏ bé ấy sẵn sàng bỏ lại tuổi thanh xuân, sẵn sàng chôn giấu nỗi đau mất người thân để gia nhập vào hàng ngũ chiến đấu. Lòng căm thù giặc và tình yêu nước sâu sắc đã biến những con người bình thường trở nên lớn lao, vĩ đại hơn bao giờ hết. Không ai khác, họ chính là những tấm gương liệt nữ trong lịch sử Việt Nam.
Để hiểu rõ hơn về truyền thống oai hùng của phụ nữ Việt Nam, thư viện trường THCS Phúc Lợi trân trọng giới thiệu tới các thầy cô giáo cùng các em học sinh cuốn sách: “Những liệt nữ trong lịch sử Việt Nam” do NXB Lao động phát hành năm 2013, nhóm tri thức Việt biên soạn.
Học sinh giới thiệu cuốn sách “Những liệt nữ trong lịch sử Việt Nam”
Cuốn sách gồm 198 trang với 21 câu chuyện là 21 tấm gương tiêu biểu của các nữ anh hùng đã làm rạng ngời truyền thống hào hùng của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp cứu nước.
Cuốn sách mở đầu bằng những trang viết về hai người phụ nữ anh hùng, quả cảm. Đó là Hai Bà Trưng với chiến thắng mùa xuân năm 40, đập tan chính quyền đô hộ nhà Đông Hán, gây dựng chính quyền tự chủ. Chiến công Hai Bà lập được giống như một bản anh hùng ca mở đầu cho thời kì độc lập tự chủ của dân tộc, thể hiện ý chí vươn lên và tinh thần quyết tâm đánh giặc của nhân dân Việt Nam.
Ở những trang tiếp theo, tượng đài bất diệt của những tấm gương tiêu biểu tiếp tục được tái hiện. Đó là nữ tướng Triệu Thị Trinh với câu nói nổi tiếng: “Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá kình ngoài biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ cho nhân dân chứ quyết không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”. Đó là nàng công chúa bị xẻo má vì khuyên chồng không làm phản, là Nguyên phi Ỷ Lan với tài trị nước, an dân...
Cuốn sách khép lại bằng hình ảnh của mười cô gái thanh niên xung phong ở Ngã Ba Đồng Lộc. Mười bông hoa thơm ngát ấy đã hi sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Các chị trở về với đất mà chưa kịp tận hưởng tuổi thanh xuân – quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người. Thương mến. Đau xót. Nghẹn ngào. Chắc chắn bạn đọc sẽ có những cung bậc cảm xúc ấy khi đọc phần cuối cuốn sách.
“Những liệt nữ trong lịch sử Việt Nam” không chỉ giúp người đọc hiểu hơn về những tấm gương liệt nữ trong lịch sử dân tộc mà còn khơi dậy niềm tự hào về truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam.
Trân trọng kính mời quý thầy cô cùng các em học sinh hãy đến với thư viện trường THCS Phúc Lợi để cùng nhau đọc cuốn sách này.